Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 280: Nương nhờ Thiên Đức



Sớm hôm sau, Lê Chân dẫn Chương đến chân núi Yên Lãng. Sau cả canh giờ loanh quanh, Chương ngó lên nhìn xuống, vạch lá nhặt cành, thi thoảng dùng que gạt lá khô dày từng lớp dưới chân.

-“Một mỏ than đá lộ thiên trữ lượng không biết bao nhiêu. - Chương chống nạnh nhìn ngọn núi ngẫm nghĩ. - Cả ngọn núi này có thể đều là than, quanh đây cũng vậy, cần tính cách thăm dò và khai thác. Mình có thuốc súng, phá đá không phải chuyện khó, đào mới tốn công. Hừ… nơi này sẽ thành một nhà lao lớn có được không nhỉ? Có vẻ ổn, bốn bề đồi núi điệp trùng. Nếu cùng lúc bị vây đánh, mình vẫn nương thân được ở nơi có tài nguyên.”

Nghĩ đoạn, Chương hỏi Lê Chân:

-Nơi này có nhiều hang dơi không?

-Thưa ngài, hang động lớn thì ít nhưng hang nhỏ có nhiều dơi trú ngụ.

Chương ngẫm nghĩ thêm một hồi, bảo tất cả mọi người nhặt những viên quái thạch nằm rải rác ngay chân núi Yên Lãng cho lên gùi, những viên lớn dùng búa đập nhỏ ra. Sau đó, tất cả quay trở lại làng Mao Khê với gần một trăm gùi quái thạch. Anh thay đổi kế hoạch đôi chút sau khi hướng dẫn dân binh dùng nỏ Liên Châu. Dân làng, người mới theo về, tù binh đắp đất rào làng bằng cọc tre, gỗ vót nhọn, đào hào sâu 1 thước, rộng 2 trượng. Mục đích của Chương là dẫn nước từ sông Kinh Sư chảy, giảm thiểu việc bị đột nhập.

Phụ nữ, trẻ nhỏ, đàn ông và cả đám tù binh bị bắt về sẽ không sang Kinh Môn. Thay vào đó, sau khi đào hào dẫn nước, họ sẽ dựng một làng nhỏ bên cạnh Mao Khê. Ai muốn về làng cũ đều được phép, song ít người có ý định ấy. Châu báu, trâu bò, lợn gà, lương thực lấy được của Trương Hiền, Chương bảo Lê Chân phân phát đều cho tất cả mọi người, kể cả tù binh.. Chỉ giữ lại một phần ba số của cải đựng trong hai rương đem về phủ Thiên Đức.

Tạm thời, một trăm nữ binh Đường Vỹ sẽ ở lại trấn giữ làng Mao Khê chờ bàn giao địa bàn cho một tiểu đoàn do Nghị cử từ thành Kinh Môn đến trấn giữ. Nhiệm vụ của tiểu đoàn ấy ngoài việc dựng trại đồn trú lâu dài, còn phải dựng một khu nhà tập thể cho khoảng một nghìn người sẽ chuyển đến trong nay mai.

Mươi ngày sau đó, lương thực, vải vóc, ngựa xe lần lượt được chuyển đến. Chương còn cắt cử người thăm dò, dân làng Mao Khê dẫn dường, hòng dựng bến lớn ven bờ tả ngạn.

Chẳng ai hiểu vì sao Vạn Thắng vương có vẻ ưu ái vùng đất hoang sơ đến vậy. Họ ngầm đoán, sự ưu ái ấy là vì cô sơn nữ Lê Chân.

Lê Chân chẳng biết quái thạch dùng làm gì nhưng Chương có dặn không được nói với ai, dễ mang hoạ sát thân. Cô nàng miệng càng kín như bưng sau khi làm lễ bái sư trong niềm vui mừng của dân Mao Khê, bởi điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ được bảo vệ. Cô sơn nữ sẽ giúp nữ binh ở lại sắp đặt công việc, chờ đến khi Chương quay lại cùng nhiều người khác rồi đón đi.

Số phận của Trương Hiền được định đoạt ngay chính Ngọ khi bọn Chương còn ở trong núi Yên Lãng tìn quái thạch. Lê Hiệp chặt đầu Trương Hiền, táng trong rừng.

Chương quay trở lại làng Thuỷ Đường gặp Duệ, dẫn theo vợ con của Trương Hiền. Họ ở lại làng Thuỷ Đường. Chương nói với Tạ Khôn, họ là nạn nhân của cường đạo, chồng đã bị sát hại. Tạ Khôn thu nạp vào làng, dân làng dựng nhà cho ở. Chương căn dặn mấy người đàn bà, chuyện liên quan đến Trương Hiền hãy để lại trong rừng, con trẻ không có tội tình, đừng để miệng đời gièm pha.

-Đám trẻ sẽ được đi học, sẽ biết chữ và đừng cho chúng biết gốc tính đấng sinh thành, hãy nói cha chúng bị cường đạo sát hại.

Chương cho thêm mỗi người 5 xấp vải, 1 nén vàng cùng 20 nén bạc lấy vốn làm ăn. Mấy người đàn bà tuổi chưa đến ba mươi líu ríu lạy tạ ơn. Nhiều năm sau, con cái, cháu chắt của Trương Hiền không biết gốc tích thực, chỉ biết rằng cha ông tổ tiên được Vạn Thắng vương không quản ngại khó khăn dẫn binh vào rừng cứu về, lo cho cái ăn cái mặc lúc nghèo khó, bơ vơ. Nghe đâu trong thần phả nhà họ Trương ở làng Thuỷ Đường có chép, Vạn Thắng vương tay phải đánh cọp dữ, tay trái hạ trăn lớn cứu tổ tiên của họ. Dòng họ Trương Thuỷ Đường nhằm ngày quân vương băng hà làm lễ giỗ tổ, giống như nhiều làng mạc hay dòng họ khác ở Vạn Xuân.

Từ làng Thuỷ Đường, Chương và Duệ và An Sơn phủ của Trần Công Tích cho gọi thêm Đặng Sỹ Nghị cùng nhiều người khác đến bàn định công việc.

Bổ nhiệm Trịnh Hoài Thượng làm Huyện trưởng Kinh Môn, Bùi Quốc Khái giữ chức Huyện trưởng Thuỷ Đường. Ninh Hải tạm thời giữ nguyên những người cũ mà Trần Minh công từng dùng. Trịnh Hoài Thượng và Bùi Quốc Khái sẽ toàn quyền về nhân sự trong huyện. Đặng Sỹ Nghị toàn quyền binh mã. Ba người đều tạ ơn.

Trần Công Tích sẽ về trám vào vị trí Phó Ty Giáo dục mà Bùi Công Truyền để lại. Chương giảng giải cặn kẽ mọi lẽ, nhất là với Trần Công Tích.

-Ta muốn Ninh Hải sau này giao cho cậu, cậu là văn nhân về làm ở Ty Giáo dục là hợp nhất, ông Mạnh Đức sẽ tận tâm giúp cậu. Chúng ta cai quản đất này bằng trí, bằng chữ nghĩa. Cố gắng tiếp thu những cái mới còn về Ninh Hải giúp ta.

Duệ đến, theo sau Duệ là Thái Hương. Chương giới thiệu:

-Em gái của ta, Mạc Thái Hương như ta hay nói đó, thế nào? Sắc nước hương trời chứ hả?

-Tại hạ là Trần Công Tích. - Công Tích bước đến gần. - Vốn nghe Vương nhắc đến nàng rất nhiều, nay mới được gặp. Mạc tiểu thư quả nhiên nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, lại đương nắm trọng trách trong quân. Như vậy văn võ song toàn, đời này hiếm có nữ tử nào như vậy, tại hạ bái phục.

-Trần công tử, có phải miệng anh bôi mờ rồi không?

-Dạ sao ạ?

Chương khụt khịt đứng dậy, nói:

-Ta còn nhiều việc, em ở lại tiếp cậu Tích giúp ta.

Chương và Duệ rời đi, vẫn kịp thấy Công Tích kéo ghế mời Thái Hương ngồi. Duệ thì thào:

-Anh nghĩ mối này có thành không?

Chương gật:

-Thái Hương cứng cỏi, Công Tích nhã nhặn ráp lại sẽ hợp. Nãy Thái Hương bước vào, em có thấy ánh mắt sáng như sao của cậu Tích chứ?

-Vậy anh phải thưởng vì em đã trang điểm lộng lẫy cho em ấy.

-Được rồi, nếu Thái Hương ưng thuận hôn sự mà thành, anh tạm yên tâm. Vừa khéo léo buộc Công Tích với ta mà Thái Hương cũng có chỗ gửi gắm.

-Anh hay nói tôn trọng tình yêu nam nữ, sao còn cố ghép hai người này chứ?

-Đều là chỗ tốt, do họ quyết cả.

-Còn cô tiểu thư khuê các Đan Ngọc anh tính sao đấy?

-Học cho tốt rồi anh sắp xếp, nhà ta bao nhiêu anh em trẻ đang còn ế kia kìa. Cô ấy chọn đâu chẳng được.

-Nghe chừng trong mắt cô ấy chỉ có Vạn Thắng vương mà thôi.

Chương liền nói gạt đi:

-Trẻ con biết gì.

Duệ nói bóng gió:

-Anh nói thế, lúc em gặp anh cũng chừng đó tuổi.

-Bây giờ em vẫn tuổi đó nhỉ?

-Ây da, thật là khéo nịnh. Thế cô sơn nữ Lê Chân sao nào? Em nghe nữ binh bảo nàng ta đẹp, vẻ đẹp khác lạ và rất ngây thơ.

Chương đáp ngắn gọn:

-Môn đệ của anh chả mấy mà thành Thiên Bình thứ hai. Nhà mình có một Thiên Bình là đủ, anh cũng chỉ có một mạng mà thôi.

-Cứ sểnh ra một tí là lại xuất hiện mỹ nhân, kỳ này cha mẹ phù hộ, anh mà nạp thiếp chắc em bị mấy người cạo đầu.

Chương than vãn:

-Ngủ còn chả đủ giấc, hơi sức đâu mà nghĩ đến nữ nhân cơ chứ. Nay ở đây anh tranh thủ nghỉ ngơi chờ người từ Thiên Đức đưa sang còn tính kế. Anh muốn đưa em quản Ninh Hải mà… ba người cùng mang thai một lượt, để em một mình ở Ninh Hải anh không yên lòng.

-Nếu anh muốn em sẽ đi mà.

-Anh không muốn, xa em quá nhớ thì biết làm sao?

-Miệng anh mới bôi mỡ có đúng không?

Vương trên phi dưới bù đắp cho nhau được hai ngày mặn nồng chờ người từ phủ Thiên Đức, bỗng nhận tin quân cơ của Đoàn Thượng báo rằng, ba hạm đội với hơn hai trăm thuyền lớn nhỏ, cả thương thuyền lẫn chiến thuyền Hoa quốc, hơn 6000 người, kéo vào Ninh Hải xin được nương nhờ.

-…”đoàn người này do Triệu Trung, một vương tôn công tử Hoa quốc dẫn đầu, đi cùng có em gái Triệu Nhã Lâm cùng hai nghìn binh bản bộ, số còn lại là gia thuộc. Theo lược bày, họ bị hoạ sát thân nên phải chạy trốn. Nay thuyền vẫn neo trên sông, chờ Vương định đoạt.”

Duệ đọc thư xong hỏi Chương quyết ra sao, Chương ngồi bên bàn nhâm tri chén trà nhạt, nhịp mấy ngón tay gõ nhẹ xuống mặt bàn rồi đáp:

-Chúng ta thu nạp tất ngày sau có lợi, chỉ cần bố trí nơi ăn ở của họ sao cho hợp lý mà thôi. Em cùng anh đến Ninh Hải một chuyến không?

Sớm hôm sau Chương và Duệ bí mật rời An Sơn phủ đến Ninh Hải theo đường thuỷ, dẫn theo đoàn tuỳ tùng trăm người cận vệ. Chương muốn một công đôi việc, đột xuất kiểm tra quân mã bố trí ra sao sau một thời gian ngắn. Năm thuyền gần đến Ninh Hải quả nhiên bị một chiến thuyền nhỏ của Thái Công tuần tiễu chặn lại, Chương lấy làm hài lòng ban cho binh sĩ trên thuyền ấy một nén vàng.

Tối ấy Chương họp bọn Đoàn Thượng, Trương Văn Long, Lý Văn Ba, Hoàng Thái Công thăm hỏi tình hình, nghe báo cáo quân tình. Chương dặn rằng:

-Nay mai dăm bảy sứ quân sẽ bắt tay kết bè đảng đánh chúng ta cùng một lúc, tình hình lúc ấy hẳn sẽ nguy khốn. Các ông còn khoảng ba tháng chỉnh đốn quân kỷ, chiêu binh mãi mã.

Trương Văn Long bèn hỏi:

-Thưa Vương, nếu ngại dự liệu trước sự tình, tại sao chúng ta không diệt những kẻ yếm thế trước? Chẳng cần phải đoán, tôi tin rằng Lê Hoan chỉ chờ thời cơ đó phục hận.

Chương nghe xong bèn đáp:

-Gặt lúa non làm gì, tuy nhiên anh nói đúng, Lê Hoan sẽ là kẻ đầu tiên lên đoạn đầu đài. Ta muốn quân Thiên Đức có thêm thời gian thao binh luyện mã và… chờ dân gặt xong mới khởi sự. Tiên hạ thủ vi cường, dẹp yên Lê Hoan để làm phên giậu mặt Nam của Ninh Hải là chuyện sớm muộn, song ta muốn Lê Hoan nghĩ rằng ta bận đối phó mặt La thành. Các ông ở Ninh Hải sẽ khai hoả trước tiên.

Đoạn Chương hỏi Lý Văn Ba:

-Anh có nắm được quân tình của Phạm Khải Ca không?

Ba đáp:

-Bẩm Vương, Phạm Lệnh công có trong tay khoảng 5000 bộ binh và 5000 thuỷ binh. Ông ta có kỵ binh nhưng không đáng kể.

Chương nói chung:

-Ông ta mấy lần tiếp tay cho Cao Mộc Viễn, tưởng yên thân vì xa Thiên Đức, vậy cứ để ông ta nghĩ như thế. Một mai ta đến cửa nhà, hãy vét sạch như chùi của cải, nhà cửa và cả dân của ông ta.

Lý Văn Ba trải sơ đồ ra bàn lớn cho Chương xem, anh nói:

-Các ông ở đây tuỳ sự mà hành động, ta chỉ nhắc về thời gian khởi sự mà thôi. Xuất binh bất thần, một lần là đánh tan bọn Lê Hoan và tiến đến phủ đệ của Phạm Khải Ca. Lão ta trốn chạy cũng mặc, ta cần bắt người của lão đem về… ờ… Mao Khê.

Bọn Đoàn Thượng lấy làm ngạc nhiên chẳng rõ Mao Khê nơi nào. Chương chỉ lên hoạ đồ và nói:

-Cần ít nhất năm nghìn dân cư ngụ hai bờ sông Đá Vách, ít nhất! Ta cần những người trong độ tuổi lao động, chính là cưỡng chế di cư. Ta sẽ lập thêm huyện Tây Triều ở bờ tả ngạn sông Đá Vách.

Trương Văn Long ướm hỏi:

-Bẩm Vương, vậy chúng tôi khởi binh thượng tuần tháng Chạp liệu có được?

Chương cười, cặp mắt sáng lên trong một thoáng, đoạn anh hạ giọng:

-Nếu bọn họ không tấn công ta trước Tết, ắt sau Tết mới động binh. Vậy thì… ba quân ăn Tết sớm, cứ tối cuối năm thì đi, có vậy mới bất ngờ. Xem nào… cũng còn ngót ba tháng để các ông kín đáo chuẩn bị.

Tướng sĩ nhìn nhau, bấy giờ Hoàng Thái Công mới thưa rằng:

-Bẩm Vương, bộ binh của chúng ta không nói làm gì, song thuỷ binh hãy còn khó khăn.

Chương vỗ vai Thái Công, hỏi:

-Anh cần thêm chiến thuyền chứ gì?

-Dạ.

-Anh sẽ có Mông Đồng và Xa Hải, ta đảm bảo trước Tết sẽ có. Thuỷ bộ phối hợp thành thế gọng kìm mới dẹp mau được đám chuột nhắt.

Chương chỉ lên hoạ đồ, giảng giải:

-Sông Thiên Đức bị tắc một quãng chỗ này, có hai trại thuỷ và một trại binh của Vũ Ninh vương trú đóng bên bờ tả ngạn. Ta đã có kế sách dẹp gọn đám này.

-Binh mã của chúng nơi ấy chừng bao nhiêu thưa ngài? - Hoàng Thái Công hỏi.

-Chừng một nghìn quân, cậu Tôn đang tung người thám thính nơi ấy kỹ càng. Ta chờ thời cơ cất vó một mẻ. Quân sĩ nơi ấy sau khi túm được ta sẽ điều về cho các ông quản.

Chương bàn định với bọn Đoàn Thượng đến quá nửa đêm mới tan. Bọn Đoàn Thượng người nào người nấy phấn khởi với kế hoạch Chương đưa ra. Đồng thời, Chương khao thưởng ba quân Ninh Hải bằng một rương châu báu thu được của Trương Hiền. Thật đúng là của người phúc ta.


Xuyên qua một thế giới tu tiên, nhưng nhận ra bản thân lại chỉ là phế vật ngũ linh căn, Trần Lâm tỏ ra rất bất lực, chỉ là cũng không sao, thiên phú không góp lực, vậy liền gọi cô vợ trẻ tới góp sức. Một ngày nào đó vấn đỉnh chí cao, Trần Lâm vừa hồi ức vừa chia sẻ "Chỉ có người nông cạn mới muốn làm Tiên Vương, người nhìn xa trông rộng sẽ biết, làm Chạn Vương thoải mái hơn nhiều