Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 289: Bên gò đất cao



Bọn Đoàn Thượng dẫn quân tràn vào Trang Minh Liễn bắt giữ hết lượt rồi phân loại quân sĩ, cứ tuổi dưới 25 sẽ gom riêng, sau đó lên thuyền của Triệu Trung hết cả.

Trong khi Đoàn Thượng lo kiểm soát tình hình ở Trang Minh Liễn, Hoàng Thái Công hộ tống đoàn thuyền Triệu Trung chuyển bốn tiểu đoàn Vũ Ninh, Môn Thôn, Sơn Tây và Kim Động với hai nghìn quân vũ trang đầy đủ xuôi dòng Cửu Biền ra sông Phú Lương đóng quân luôn ở bờ hữu ngạn, hạ trại kiểm soát cửa sông trước khi các tiểu đoàn lần lượt thay nhau toả ra khắp vùng Tiên Minh rồi tiến ngược dòng Phú Lương lấn cả vào đất của Phạm Lệnh công và La Lệnh công.

4 Xa Hải và 8 Mông Đồng thuyền trấn giữ cửa Trà Lý cùng Tiểu đoàn Kim Động, nơi có anh chàng Tiểu đội trưởng Trịnh Tú nay đã là Trung đội phó. Sau trận chiến này, Trịnh Tú được tuyên dương vì lòng dũng cảm. Đoàn Thượng đề đạt Trịnh Tú làm Đại đội trưởng và gửi Trịnh Tú về học ở Trường Quân sự Vạn Xuân.

Tính đến Tết Nguyên tiêu, toàn bộ vùng Nghi Dương và Tiên Minh đều rơi vào tay quân Thiên Đức. Một số làng mạc chống đối đều phải thuận theo khi quân Thiên Đức tuyên bố chắc nịch: Đánh nhau là việc của binh lính, dân cầm đao kiếm chống lại quân sẽ không được tha. Quân bình định Triệu Trung sẽ tàn sát làng nào chông. Còn như quy thuận, tuân theo quy định của quân Thiên Đức, mặc nhiên sinh hoạt buôn bán bình thường chẳng ai động đến, miễn các thứ thuế hết năm, hương thân, văn thân vẫn việc cũ mà làm, Thiên Đức sẽ trả lương bổng đầy đủ.

Chẳng phải người nào, làng nào cũng nghe và tin theo, lại có Phạm Lệnh công và La Lệnh công cấp vũ khí, lương thực nên chống đối rất hăng. Quân Thiên Đức kéo đến chỉ tha phụ nữ và trẻ em, còn lại Triệu Trung chém sạch sẽ vì đã yết thị từ trước rồi. Đàn bà và em nhỏ trong hai làng này đều bị đưa đến sống rải rác ở Kinh Môn, Thuỷ Đường, Siêu Loại và Kim Động.

Sổ sách chép rõ nhân thân và sau có sung quân cũng chỉ làm tốt, theo đường học vấn cũng không được giữ chức vụ cao trong bộ máy. Tất nhiên, những quy định này Chương cài vào điều lệ Thiên Đức hội chứ không ban bố rộng rãi trong dân. Mà không phải thành viên Thiên Đức hội tất không giữ chức vụ nào trong quân lẫn chính quyền ít nhất 3 đời.

Có hai làng giáp ranh rơi vào tình cảnh máu chảy đầu rơi, tiếng dữ đồn xa, không có làng thứ ba dám cầm vũ khí chống lại quân Thiên Đức. Nếu buộc phải cầm, họ sẽ đầu hàng, giao nộp ngay khi quân Thiên Đức đến nơi và chẳng bị hạch tội gì sất.

Bởi Nghi Dương và Tiên Minh tạm coi là phên giậu nên các tội chống lại quân đều bị biền tru cả. Các vùng tạm chiếm đều phải áp dụng cách đó để mau chóng ổn định tình hình nhanh nhất có thể trước khi văn nhân tiếp quản.

Cùng tối ngày 29 Tết, quân sĩ Đại đoàn Thiên Đức âm thầm xuống thuyền vượt sông sang trại quân đồn trú bên bờ Văn Giang. Yết Kiêu điều phân nửa Tiểu đoàn Kình Ngư đang ở Phượng Sơn về sông Văn Giang làm hậu quân trợ chiến cho Tiểu đoàn thuỷ quân Siêu Loại do Đinh Công Tráng chỉ huy nay trực thuộc Đại đoàn Thiên Đức.

Phạm Cự Lượng chỉ huy, Lý An làm tham mưu, lấy Trung đoàn Thiên Đức làm nòng cốt. Cự Lượng chia quân làm ba cánh cùng tiến. Lý Kế Nguyên dẫn Tiểu đoàn Tam Vạn đi bên tả, E phó Nghiêm Phúc Lý theo sát. Trung quân có D Long Ngô Động của Trần Nguyên Hãn, D Súng trường do Phạm Sĩ Sách đốc suất. Bên cánh hữu có E Luy Lâu dưới quyền Lý Công Thành. Do Lý Công Thành còn trẻ, E trưởng Nguyễn Lạc Thổ đi kèm.

D pháo binh chỉ với 350 quân dưới quyền Cao Lịch đi trong đội hình trung quân. Cao Lịch trước được điều sang Thần Sách nhưng sắp đặt xong bên ấy lại về Thiên Đức để hoàn thiện D pháo binh.

Tổng quân số tuyến đầu là 3100 binh sĩ thuỷ bộ vô cùng thiện chiến.

Hậu quân gồm quân địa phương, tân binh, tiếp vận, tổng số 4000 người. Tất cả trang bị đồng nhất nỏ Liên Châu và đoản đao.

Lữ đoàn Thần Sấm của Phạm Bạch Hổ không tham gia trận đánh. Thay vào đó, Hổ chịu trách nhiệm phối hợp với D thuỷ quân Long Vũ, trung tâm tân binh của Trương Lôi bảo vệ huyện Thiên Đức ở mặt Bắc đề phòng Nguyễn Quốc Khánh thừa cơ đánh úp.

Yết Kiêu cũng không tham gia trực tiếp, anh dẫn một tiểu đoàn mới thành lập với 800 quân trấn ở ngã ba sông Dâu và sông Thiên Đức, phối hợp E Thánh Dực phòng ngự huyện Siêu Loại.

D Thiết xa do Ngô Kình Ngư chỉ huy với các xe Liên nỗ phóng lao hay thiết giáp đều đóng quân ở huyện Siêu Loại. Theo nhận định của Bộ Tổng Tham mưu, Siêu Loại sẽ là chiến trường khốc liệt nhất

Quân đồn trú ở Hiến Doanh không tham gia chiến dịch, chỉ lo phòng ngự nếu Cao Mộc Viễn tiến đánh.

Mặc dù quân Tế Giang đề cao cảnh giác nhưng ngay khi trung quân vượt sông đầy đủ, Lý An và Phạm Cự Lượng đốc quân tiến thật nhanh, lợi dụng địa hình và đêm tối luồn qua giữa hai trại quân tiền phương của quân Tế Giang rồi dàn quân nằm phục.

Quân cánh tả và cánh hữu đi sau chừng hơn một khắc tiếp cận gần hai trại quân rồi bất thần tràn vào sau tiếng súng lệnh. Quân Tế Giang trong mỗi trại có chừng ba trăm bị tấn công bất ngờ không kịp phản hứng, bị bắt sống gần như tất cả, thiệt mạng hơn chục quân cảnh giới, đánh trống mà thôi. Hậu quân Thiên Đức đến giải ngược trở về.

Bởi quân Thiên Đức chọn thời điểm giao thoa năm cũ và năm mới, lại bắt gọn hai trại tiền phương không kịp khua trống chiêng báo động nên hai trại ở sâu trong nội địa, mỗi trại chừng năm trăm quân bị vây đánh bất ngờ. Quân sĩ chỉ kịp khua lớn vài nhịp trống là bị hạ. Hai trại này bảy phần bị bắt, ba phần bị hạ do bỏ chạy.

Tiếng trống khua bỗng dứt nhịp ngang hông, dân binh mấy làng ở gần trại quân thấy lạ nên chú ý. Nghe tiếng đì đùng đoán là quân Thiên Đức tràn sang bèn khua chiêng gióng trống báo động cho nhau. Làng nào nghe được chiêng khua cũng đóng chặt cổng, đèn đuốc tắt ngúm hết cả, ngay cả chó cũng bị bịt mõm không cho sủa vì sợ quân vào làng.

La Đình Đệ và La Đình Kính hay tin quân Thiên Đức tràn sang liền cầm quân bản bộ ra đóng giữ nơi hiểm yếu lúc trời tờ mờ sáng.

Trời sáng rõ mặt người, trong không khí lạnh và sương mù phảng phất của buổi sáng đầu năm mới, Phạm Cự Lượng dàn quân trong khi La Đình Đệ ở phía đối diện, đóng quân trên gò nổi giữa đồng nối liền với rặng tre gai của một ngôi làng, cờ xí rợp trời, trống thúc vang liên hồi như sấm động. Trước mặt gò nổi nơi La Đình Đệ đóng quân là hào nước rộng chừng 4 trượng.

Lý An trèo lên hai cái thang đấu hình chữ A, cao hơn 1 trượng nhìn ngắm địa thế. Bọn Phạm Cự Lượng, Nghiêm Phúc Lý, Nguyễn Lạc Thổ cũng đều trèo lên ngọn thang để nhìn.

Chỉ huy họp nhanh ngay trước trận tiền, hoạ đồ do Ty Thông tin cung cấp được trải ngay dưới cỏ. Lý An hỏi:

-Các cậu có thấy cờ của tay Kính không?

Tất cả đều lắc đầu.

Lý An chỉ ngôi làng có luỹ tre xanh rì trong sương sớm ở bên phía tả rồi nói:

-Tay Đệ là Soái mà nắm không đến ba nghìn quân, nhìn cờ quạt lộn xộn, các cậu nhìn y phục quân của Đệ thấy gì?

Nghiêm Phúc Lý đáp:

-Tham mưu Lý đại nhân, có thể nào do chúng ta đánh bất ngờ nên La Đình Đệ chưa kịp bố phòng chặt chẽ, bàn quân xộc xệch không ạ?

Lạc Thổ không đồng ý bèn nói:

-Tôi thấy không đúng, ông ta làm Soái một quân, đứng trên vạn người dù có gấp gáp cũng không bố trí lộn xộn đến nỗi chúng ta nhìn còn ra, ắt hẳn đằng sau có mưu kế.

Phạm Cự Lượng xem bản đồ hồi lâu bây giờ mới hỏi chung chung:

-Trên hoạ đồ không thấy có con mương này, nó mới được đào ư?

Lý An giải đáp:

-Hoạ đồ này đã gần hai chục năm, lần trước ta qua chỗ này nó chỉ là một rãnh nước nông. Có thể quân Tế Giang nạo vét và đào rộng cắm chông nhọn. Mà sao không cậu nào trả lời câu hỏi ban nãy của ta nhỉ?

Bấy giờ mọi người mới nhìn nhau rồi nhìn về phía xa. Hoàng Như Hổ đứng hầu sau Lý An bỗng lên tiếng:

-Dạ bẩm Lý đại nhân, con có thể nói được không?

Lý An quay lại nhìn, thoáng chút ngạc nhiên. Bọn Phạm Cự Lượng hỏi:

-Môn đệ của Lý đại nhân ư?

Lý An cười:

-Ta chưa có diễm phúc ấy, chàng trai này là Hoàng Như Hổ, ngư phủ bên Kim Động. Cậu ta mới hoàn thành nhiệm vụ nào đó mà Vương giao, Vương bảo cậu ta theo hầu lão già này đấy. Cậu ta một mực xin theo dù Vương cho nghỉ đến mùng 5 cơ.

Bọn Phạm Cự Lượng đến gần Hoàng Như Hổ, đoạn Cự Lượng vỗ vai Như Hổ một cái, hất hàm bảo:

-Nếu Vương cho cậu theo hầu Lý đại nhân tất cậu phải là kẻ có cơ mưu. Nếu cậu thích đao kiếm hẳn Vương phải giao cậu cho ta mới phải. Cậu trả lời câu hỏi của Lý đại nhân xem có giống như ta nghĩ không nào.

Lý An cười khích lệ, Như Hổ nói:

-Dạ bẩm đại nhân, ông La Đình Đệ là Soái mà quân xếp lộn xộn hẳn là cố tình để ta không rõ thực hư. Y phục ba quân không đồng nhất nhưng tướn mạo của quân đều trẻ khoẻ chứ không phải dân binh. Tiểu sinh đoán ông ta muốn đặt bẫy gì đó, bẫy thì chắc là có nhưng mục đích đặt bẫy nhằm kéo dài thời gian khiến ta trù trừ hay muốn ta khinh địch mà tràn lên?

Phạm Cự Lượng nhảy phốc sang cạnh Như Hổ huých nhẹ một cái, tươi cười nói:

-Lông măng chưa mọc hết mà con mắt khá đấy, bảo sao Vạn Thắng vương lại để ý đến cậu. Ai tiến cử cậu với Vương?

-Dạ bẩm, tiểu sinh vốn là thuộc hạ lo chép sách của chủ tướng quân thuỷ Yết Kiêu đại nhân.

Cự Lượng quay ra nói với bọn Lạc Thổ:

-Này các anh, các anh cũng phải tìm ra những tay như cậu này để làm mưu sĩ mới được. Vương đã nhìn trúng cậu ta đấy. Lời cậu ta rất đúng, tay Đệ muốn câu giờ hay muốn ta khinh địch mà tràn lên.

Hoàng Như Hổ thẹn đỏ mặt vì mấy người cùng đến nhìn tận mặt cậu y như thể cậu là vật gì đó lạ lùng vậy. Nguyễn Lạc Thổ bảo:

-Cậu đã nghĩ được đến đó thì cậu nói nốt ra xem sao…. À… để bọn ta cùng hội ý xem ý của bọn ta có giống của cậu không.

Bọn Lạc Thổ thì thào với nhau, sau mới quay lại nghe Như Hổ nêu ý kiến:

-Bẩm các tướng quân, tiểu nhân cho rằng ông Đệ muốn dụ chúng ta đánh. Cái làng kia rất lạ, tiểu sinh đồ rằng có quân binh mai phục trong làng ấy và cả phía sau làng. Ông Độ dụ ta tràn sang sau đó quân trong làng túa ra đánh vào bên hông.

Phạm Cự Lượng nói với Lý An:

-Lý đại nhân, ngài nên bồi dưỡng cậu ta thêm, nên cho cậu ta học trong trường và theo quân thực địa.

Lý An cười mà rằng:

-Kế của tay Độ bị một cậu thư sinh lần đầu ra trận nhìn thấu thì đánh đấm cái gì nữa. Ta từng nói với Hoàng Thái Công, bây giờ ta xin nói lại, ta thực sai lầm khi trước nay đề cao anh em nhà họ La. Họ không yếu nhưng thiếu mưu sâu.

Cả bọn nghe vậy liền cười phá lên, Như Hổ biết là mình vừa nghĩ giống những vị chỉ huy, bất giác trong lòng cũng thấy vui mừng.

-Cậu sắp cưới vợ. - Lý An nói với Hổ. - Ta sẽ tâu việc này với Vương trọng thưởng và nếu đúng như lời cậu nói, chàng trai ạ, cậu nhất định sẽ là một hiền tài mà quân cần có.

Phạm Cự Lượng bảo vơi Cao Lịch:

-Trời lạnh thế này, cậu xem thế nào ủ ấp cho mấy người ở trong làng chứ hả?

Cao Lịch nghe vậy, nở nụ cười gian xảo, hí hửng gọi quân pháo kéo hết lên trước bản trận. Quân hậu bị nhận lệnh đem thang gần lên, sẵn sàng cắm thang xuống hào nước để vượt lên gò cao.

Quân pháo kéo thần công và hoả hổ gần đến bờ hào thì dừng ngoài tầm bắn của tiễn. Quân của La Đình Đệ nép mình sau dãy gò cao, cờ quạt vẫn bay phấp phới. Quân bộ binh đưa 10 bộ vũ khí bắn pháo nhỏ mà xưởng quân khí mới bàn giao cho thực nghiệm trên chiến trường.

Cao Lịch có hai chục khẩu thần công, sau khi căn chỉnh cẩn thận bắt đầu khai hoả liền một lúc ba loạt vọt qua ngọn tre. Hai chục hoả pháo liên hoàn sau khi bắn đôi ba viên đo khoảng cách liền bắn một loạt đạn cháy vào mấy bụi tre gần cổng làng. La Đình Đệ cả kinh, biết mưu kế đã bị lộ trong khi La Đình Kính núp bên trong làng cùng quân sĩ cũng hoang mang không biết nên thoái hay án binh bất động.

Phạm Cự Lượng ra lệnh khai hoả đồng loạt, bấy giờ hoả pháo liên hoàn nhả liền hai loạt đạt, những khóm tre gần cổng ngôi làng bắt đầu cháy, khói mù mịt.

Trong khi hoả mai ngắm bắn sẵn lên gò cao thì 10 bệ phóng đạn nổ loại nhỏ bắt đầu khai hoả và tự động bắn hết một lượt 12 quả đạn. Ngay những binh sĩ có trong tay khẩu hoả mai cũng tròn mắt ngạc nhiên với loại vũ khí mới mà bảy phần nguyên liệu làm từ tre nứa. Những quả đạn nhỏ bay vọt qua gò rồi nổ luôn trên cao, khoảng từ 1 đến 2 trượng so với mặt đất. Thương vong chẳng đáng, tính là không có ai vong mạng nhưng trên đầu có hàng trăm tiếng nổ đoàng đoàng cùng những đụn khói nhỏ khiến quân Tế Giang thêm phần kinh sợ. Ấy là chưa kể, Phạm Cự Lượng cũng cho bắn vài chục quả đạn nổ gắn vào tiễn. Tiễn vọt qua đỉnh gò cao chừng 2 trượng mới nổ, và thứ quả nổ này khiến hàng trăm binh sĩ Tế Giang bị thương.

Trong báo cáo do bọn Cự Lượng gửi sau trận đánh, Chương chú ý đến chi tiết quân Tế Giang bị thương bởi quả nổ nhồi bi. Anh đến thành Luy Lâu xem xét các vết thương của quân Tế Giang, hỏi họ bị thương trong tình huống như thế nào. Các câu trả lời giúp Chương có cách giải quyết vấn đề khi phải 1 chọi 5 hoặc 1 chọi 10. Chỉ biết rằng, trong một khoảng thời gian ngắn chưa đến nửa tháng, xưởng đúc đạn đã làm ra hàng vạn quả nổ nhỏ theo yêu cầu của Chương mà không sản xuất thêm đạn tròn cho thần công.

Tại sao Vạn Thắng vương lại làm như vậy, phải một thời gian sau xưởng đúc đạn mới vỡ lẽ.


Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.