Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 322: Tổng Thanh tra Chính Phủ



Người đem thư của Triệu Quang Phục về, không ai khác là Ngô Hy Doãn. Chương để Hy Doãn yết kiến Lý Thiên Bình trước, sau đó mới tiếp Ngô Hy Doãn cùng gia quyến. Chương không ngăn Hy Doãn vái lạy xưng hạ quan. Chương hỏi:

-Ngô đại nhân, ông không quản ngại nguy hiểm, bỏ kinh đô về chốn quê mùa thật khiến ta ngưỡng mộ. Ông Triệu Quang Phục có kể rõ ràng gốc tích, ông từng quen Phạm Sư Mạnh, đến Thừa Thiên ông đã gặp Sư Mạnh chưa?

-Bẩm Vương, Hy Doãn chờ mong được gặp ngài và… và Đại Thắng Hoàng hậu nên chưa tương kiến Phạm đại nhân.

-Ông là người ngay thẳng, đương chức Phó Đô Ngự sử. Ta đồ rằng ông đến đây hãy còn nhiều tâm tư lắm. Sao, gọi Đại Thắng Hoàng hậu không được hả?

Ngô Hy Doãn thoáng thay đổi nét mặt, thưa rằng:

-Bẩm Vương! Cổ nhân có câu thuyền theo lái, gái theo chồng. Hy Doãn hay tin Đại Thắng Hoàng hậu phủ Thiên Đức là Hoàng nữ được tiên vương chọn nối ngôi lấy làm vui mừng, bỏ được chỗ tối ra chỗ sáng.

-Vậy ông còn lấn cấn điều gì? Ngôi Hoàng hậu của phủ Thiên Đức không tương xứng với Thiên Bình?

Hy Doãn quỳ xuống chắp tay thưa rằng:

-Ngài xưng vương nhưng tấn phong Hoàng nữ của tiên vương là Hoàng hậu nên Hy Doãn thấy còn có chỗ đưa đúng.

Chương rời ghế bước tới đỡ Hy Doãn đứng dậy, anh nói:

-Ông mới đến hãy còn chưa quen, từ từ sẽ quen. Với ta mà nói, chức vị gì không quan trọng lắm, cũng chỉ là cách gọi mà thôi. Điều ta mong mỏi, ấy là ta hay Hoàng hậu làm được gì cho bách tính mà thôi.

-Thưa Vương, danh có chính thì ngôn mới thuận. Nay thân phận Hoàng hậu đã tỏ, Vương sớm bố cáo thiên hạ sẽ nắm được nhân hoà. - Ngô Hy Doãn lưỡng lự đôi chút. - Bẩm Vương, Hy Doãn mạn phép nói lời ngay thẳng, mong Vương thứ lỗi.

Chương bảo nữ binh đưa vợ con Ngô Hy Doãn nghỉ ngơi.

-Chỉ còn ông và ta, ông nói thoải mái.

-Dạ bẩm Vương! Một nước không thể có hai chủ. Thiên Đức phủ vốn một tay Vương gầy dựng, nay Hoàng nữ nối ngôi nếu Vương không sắp đặt sớm, Hy Doãn sợ rằng bách tính dị nghị, lòng quân chia rẽ.

Chương gật gù, hỏi Hy Doãn:

-Ông nghĩ thế nào nếu ta để Hoàng hậu là vua bà còn ta… ờ… nắm binh quyền?

Hy Doãn vội thưa:

-Cõi này do Vương dựng, Hy Doãn cho rằng Hoàng hậu nhường tước vị cho Vương là hợp lẽ nhất.

Chương thoáng ngạc nhiên, bèn hỏi:

-Ông là trung thần nhà Lý, sao dễ dàng nói ra những lời ấy?

Hy Doãn khẳng khái đáp:

-Tiên vương có chỉ, thiên hạ đổi sang họ khác cũng tốt. Vương lên ngôi cửu ngũ chí tôn sẽ dễ dàng tập hợp chư quân, chư thần và bách tính.

Chương cười mà rằng:

-Ta nói thực, ta không thích làm vua. Tuy vậy, ta ghi nhận ý kiến của ông. Hoàng hậu của ta cũng có những quyết định riêng, ông nên gặp nàng ấy tấu trình. Ta chẳng giấu ông, ta đây cũng thuận ý chỉ tiên vương, thiên hạ mang họ nào chẳng quan trọng, cốt sao muôn dân hưởng thái bình. Ông yết kiến Hoàng hậu rồi chẳng lẽ chưa đề đạt gì ư?

Hy Doãn đáp:

-Dạ bẩm, Hoàng hậu hãy còn đương xúc động, Hy Doãn chưa dám đề đạt ạ.

Chương trở lại ghế ngồi, hỏi Hy Doãn:

-Ông giữ chức Phó Đô Ngự sử, là một hiền tài. Ta có ông phục vụ đúng là cơ may hiếm có. Nay ta đang cho soạn thảo bộ luật riêng của Thiên Đức. Thần phi của ta chủ trì biên soạn nhưng nàng đang bụng mang dạ chửa. Ông có thể tiếp quản giúp ta được chứ?

-Bẩm Vương, nếu Vương đã cho cơ hội, Ngô Hy Doãn sẽ tận tâm tận lực.

-Ông còn gia quyến ở La thành nhỉ?

-Thưa vâng!

-Vậy ông nên dùng một cái tên khác, tránh lão già họ Tô làm khó. Xem nào… - Chương ngẫm nghĩ giây lát. - Ông thấy Ngô Thì Nhậm có được không? Ta từng biết một tiền nhân tên họ như vậy, một danh sĩ.

-Đội ơn Vương đã ban cho, từ hôm nay Ngô Thì Nhậm chính là tên của hạ quan!

Nói đoạn, Hy Doãn quỳ xuống lạy tạ. Chương chép miệng bảo:

-Từ nay ông đừng quỳ mỗi khi nói chuyện như vậy nữa, sống ở đâu theo phép ở đấy. Và… trong quá trình biên soạn luật, ông nên đưa ý kiến cá nhân ra bàn thảo. Thiên Đức phủ trọng dụng hiền tài, ông cứ gắng sức lo việc, còn những chuyện ăn ở, quyền lợi tự khắc có người đưa đến.

-Đội ơn Vương, hạ quan Ngô Thì Nhậm xin tuân mệnh.

-Trước khi tiếp quản biên soạn luật, ông hãy giúp ta xây dựng một cơ quan giống như Ngự sử đài, gọi là Ban Thanh tra Chính phủ, còn như chức năng hay nhiệm vụ, quyền hạn chắc không khác là bao.

Ngô Thì Nhậm có phần bối rối:

-Ban Thanh tra Chính phủ ạ?

Chương gật đầu:

-Và ông sẽ giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, chức ấy tương đương với Đô Ngự sử đại phu. Nếu ông cảm thấy trước đây luật lệ Vạn Xuân còn có điểm gì bất cập, hãy tận dụng cơ hội này mà đổi thay cho hợp lý.

Ngô Thì Nhận tạ ơn cáo lui, so với những gì Ngô Thì Nhậm mường tượng trước khi đến tham kiến Vạn Thắng vương chẳng khác là bao.

-“Một người còn trẻ mà rất tinh ý, có thể đoán được khúc mắc trong lòng người khác chứng tỏ tài trí hơn người. Triệu đại nhân nói đúng, phải bằng mọi cách quàng chức vị lên vai Vạn Thắng vương.”

Ngô Thì Nhậm hớn hở ra đến cổng điện Hưng Quốc bỗng khựng người lại khi trông thấy một ông lão vận y phục rách rưới chống gậy từ ngoài cổng làng đi vào, hai bên tả hữu có bốn nữ binh dẫn lối.

Ngô Thì Nhậm chắp tay thi lễ, hỏi:

-Thưa… thưa lão gia… lão gia đây có phải là… là Lâm lão gia ở kinh đô đấy không?

Ông lão dừng chân, tủm tỉm cười, vén mái tóc bạc đứng thẳng người và đáp:

-Ngài Phó Đô Ngự sử còn nhận ra tôi, thật là… qua mặt ngài khó biết bao. Ngài Phó Đô Ngự sử về dưới trướng Vạn Thắng vương thật là sáng suốt. Nơi này tuy còn quê mùa nhưng có đất cho ngài dụng võ, tốt, tốt!

Ngô Thì Nhậm nói:

-Tôi mới đến mấy hôm, vừa được yết kiến Vạn Thắng vương và Hoàng hậu. Lâm lão gia đến có việc gì? Tôi nghe Lâm gia phủ gần đây gặp cơn nguy khốn vì Lâm Minh Tự bị tịch thu gia sản ở Ninh Hải.

Lâm Chí Hoà tươi cười:

-Tôi đến thăm con gái và cháu ngoại.

-Lệnh ái? - Ngô Thì Nhậm nhìn bốn cô gái vận y phục màu vàng, ngoái đầu nhìn tấm biển lớn đề “Điện Hưng Quốc”. - Lệnh ái của Lâm lão gia ở trong quân?

-Là Ái phi.

-Ái phi? Hả? Lâm Ái phi? Lâm… Lâm Ái phi là lệnh ái của Lâm lão gia?

-Ngài đã là người phủ Thiên Đức tôi chẳng giấu, tôi là người của Vạn Thắng vương từ lúc ngài ấy dựng nghiệp.

Hàn huyên thêm một lúc, Lâm Chí Hoà tạ từ Ngô Thì Nhậm, hẹn sớm gặp.

-Lâm Ái phi là con gái Lâm Chí Hoà, Trịnh Quý phi là nghĩa nữ của Lý An, Hoàng hậu là Hoàng nữ nối ngôi tiên vương. - Ngô Thì Nhậm vừa đi vừa lẩm nhẩm. - Hậu cung của Vạn Thắng vương thật không thể xem thường. Một mai Tô Trung Từ hay tin sợ là tức ói máu, ai mà ngờ được Lâm Ái phi chính là con gái của Lâm Chí Hoà chứ. Lâm Minh Tự bị tịch thu gia sản chỉ là khổ nhục kế để rút Lâm gia phủ khỏi kinh đô. Tô Trung Từ ơi, ông bị bỡn mặt không chỉ một lần, ông thực hết thời rồi.

Phạm Sư Mạnh đến thăm Ngô Thì Nhậm, qua đó, Ngô Thì Nhậm thêm hiểu về chính sách ở Thiên Đức phủ. Phạm Sư Mạnh cùng Ngô Thì Nhậm đến gặp Duệ. Ngô Thì Nhậm tiếp quản việc soạn luật và toát mồ hôi khi đọc.

-Thần phi mới hai mươi nhăm sao có thể… hậu cung của Vạn Thắng vương còn có Thần phi, trăm nghe không bằng một thấy. Thiên Đức phủ lớn mạnh không phải ngẫu nhiên. Nơi này có rất nhiều người tài trí mà vô danh. Có tương lai, Vạn Xuân có tương lai rồi.

Ngô Thì Nhậm tức Ngô Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, bắt tay vào hoàn thiện Bộ luật Vạn Xuân do Thần phi Nguyễn Diệu Huyền soạn thảo và bổ sung thêm điều lệ trong quan chế Thiên Đức phủ, cụ thể như:

Để hạn chế đặc quyền của viên chức Nhà nước, tránh nhũng nhiễu, lộng quyền, cài cắm thân thích vào bộ máy. Ngô Thì Nhậm đề đạt chế tài:

-Người đứng đầu huyện, xã không được là người địa phương, tránh việc thân thích cậy quyền.

-Cấm người đứng đầu huyện, đứng đầu ty hoặc tương đương lấy vợ trong địa hạt cai quản hoặc có trách nhiệm. Ngừa gia đình bên vợ cậy thế.

-Cấm quan chức chức tư giao với nữ nhân tại địa phương, giữ hình ảnh.

-Cấm quan chức tậu ruộng vườn tại nơi trị nhậm, ngừa bức ép bách tính bán ruộng.

-Cấm quan chức đã nghỉ hưu đến nhiệm sở cầu cạnh.

-Cha con, anh em không được làm chung trong một nhiệm sở.

Bên cạnh đó, Ngô Thì Nhậm cũng đề đạt những quy định về việc đề đạt người tài: Cá nhân hoặc cơ quan có trách nhiệm đề cử hiền tài mà không tiến cử được sẽ bị phạt. Nếu vì tình riêng hoặc nhận tiền mà tiến cử, tội nặng gấp đôi.

Ngô Thì Nhậm dù ngay thẳng đến đâu, tận tuỵ, cách tân đến đâu vẫn chưa thể thoát khỏi tư tưởng ăn sâu bén rễ bấy lâu. Chẳng có chuyện thiên tử phạm luật tội nặng hơn thứ dân, mà Bộ luật Vạn Xuân mới mẻ không áp dụng cho gia quyến của Vạn Thắng vương. Gia quyến của Vạn Thắng vương do Vạn Thắng vương hoặc Đại Thắng Hoàng hậu định đoạt. Vạn Thắng vương và Đại Thắng Hoàng hậu không chịu bất cứ chế tài nào của luật vì lẽ giản đơn, luật do hai người ban hành, là chủ Thiên Đức phủ.

Ngô Thì Nhậm hoàn thiện những ý định Chương từng thực hiện trước đó nhưng chưa hoàn chỉnh hoặc chỉ một phần. Ngô Thì Nhậm làm đại văn quan trong triều, quả thật tài năng được đặt đúng chỗ sẽ phát huy hiệu quả.

Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.